Mì vịt tiềm là món ăn có xuất xứ từ nguồn gốc ẩm thực Trung Hoa, khi về Việt Nam thì được biến tấu để phù hợp với khẩu vị người Việt. Mì vịt tiềm là món ăn cực kỳ hấp dẫn đối với những ai thích ăn thịt vịt. Không mất nhiều thời gian nấu, nhưng lại là món ăn chiêu đãi vô cùng độc đáo hãy cùng Món ăn quê hương vào bếp học ngay cách nấu mì vịt tiềm.
Cách nấu mì vịt tiềm
Nguyên liệu
1kg thịt vịt (2 đùi vịt, 2 ức vịt)
Xương heo: 800gram
Mì sợi: 800gram (tùy theo sở thích có thể gia giảm)
Cải thìa: 600gram
Gia vị bổ: 8gr kỷ tử, 5 quả táo tàu, 6gr thục địa, 10gr xuyên khung, 8gr sâm quy, 15gr hoàng kỳ, 6gr cam thảo, 4gr nghệ đen
Gia vị nấu nước dùng: 10gr đường phèn, 4 lít nước, ½ thìa canh muối, 30gr hành tím, 50gr gừng
Hương liệu: 6gr quế, 3 hoa hồi, 6 nụ đinh hương, 3gr trần bì, 4gr hạt ngò, 6gr tiêu sọ, 1 quả thảo quả
Gia vị: chanh, ớt, hắc xì dầu, nước tương đậu nành, bột ngọt….
Mách bạn cách chọn và sơ chế thịt vịt
Ta chọn vịt có lớp da bụng và cổ dày, có độ đàn hồi tốt. Thịt không có mùi hôi lạ. Nên chọn vịt xiêm để nấu vì nhiều thịt, có độ béo.
Cách khử hôi vịt: Đầu tiên bóp muối trắng với thịt vịt khoảng 5 phút rồi rửa lại với nước sạch. Pha hỗn hợp rượu trắng, muối, gừng giã dập với nhau rồi sát đều lên phần thịt vịt. Ướp thịt vịt với hỗn hợp trong vòng 15 phút rồi rửa sạch lại với nước lạnh.
Hướng dẫn cách nấu mì vịt tiềm tại nhà
Bước 1: Nấu nước hầm xương heo
Xương heo mua về rửa với muối loãng. Bắc nồi nước lên bếp đun xương heo trong vòng 2 phút. Sau đó vớt xương ra, rửa sạch.
Cho 4 lít nước vào nồi, cho xương heo, đường phèn, muối rồi đun với lửa lớn cho sôi. Sau đó hạ lửa nhẹ để nước sôi lăn tăn, có xuất hiện bọt lên bề mặt nước thì vớt thật sạch.
Hành tím, gừng đem nướng cho có mùi thơm rồi bỏ vỏ, rửa sạch.
Bước 2: Ướp và chiên vàng vịt
Thịt vịt sau khi làm sạch, khử mùi hôi. Để vịt có màu vàng đẹp ta quét đều 1 muỗng canh hắc xì dầu lên bề mặt vịt. Ướp khoảng 1 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh (Nếu có nhiều thời gian ướp khoảng 3 – 4 tiếng).
Sau thời gian ướp, bắc chảo dầu lên bếp đổ 1 lượng vừa đủ để ngập thịt rồi chiên vàng đều các mặt.
Chiên khoảng 4 phút rồi vớt ra để ráo dầu.
Bước 3: Chuẩn bị thảo dược hầm
Các loại thảo dược, gia vị bổ đem rửa sạch, để ráo.
Các loại hương liệu đem rang thơm rồi cho vào 1 túi lọc.
Nấm đông cô ngâm trong nước 30 phút. Vớt ra cắt bỏ phần chân nấm rồi rửa sạch.
Bước 4: Cách hầm vịt đậm đà
Nước hầm xương nấu được 1 tiếng 30 phút thì cho các loại thảo quả, thịt vịt, hành, gừng nướng vào.
Sau 15 phút hầm vịt với thảo dược thì cho túi hương liệu đã chuẩn bị trước, nấm đông cô vào hầm cùng. Hầm khoảng 45 phút – 60 phút tùy đùi vịt lớn hay nhỏ.
Sau đó vớt hết tất cả thảo dược, xương heo, hương liệu, hành và gừng ra. Thêm lại nước sôi cho vừa đủ khoảng 4 lít nước dùng vì trong quá trình hầm, nước bị cạn bớt).
Nêm vào nồi nước hầm 3 muỗng canh đường, 1 muỗng canh muối, 3 muỗng canh hạt nêm, 1,5 muỗng bột ngọt. Khuấy đều, cuối cùng nêm thêm 1 thìa canh nước tương là hoàn thành xong phần vịt tiềm.
Bước 5: Chuẩn bị mì sợi và cải thìa
Đun sôi một nồi nước. Cho mì vào trụng rồi vớt ra thả vào thau nước lạnh, có thể dùng thêm 1 xíu dầu mè trộn cho sợi mì không dính vào nhau.
Rau cải thìa nhặt sạch, chẻ đôi. Bắc nồi lên bếp đun sôi thêm 1 ít dầu ăn, muối rồi cho cải vào trụng chín tới. Vớt cải ra thau nước lạnh giúp cải giòn và giữ được màu xanh. Vớt ra để ráo nước.
Bước 6: Hoàn thành món mì tiềm vịt
Cho mì vào tô, gắp 1 miếng thịt vịt, 2 miếng rau cải, 2 nấm đông cô rồi chan nước dùng lên là bạn đã có tô mì tiềm vịt chuẩn vị, thơm ngon khó cưỡng.
Mì tiềm vịt với nước dùng đậm đà, màu sắc đặc trưng bắt mắt, hương vị thơm ngon. Đặc biệt có thể chấm ăn kèm với muối ớt chanh để tăng thêm hương vị cho món ăn.
Mì vịt tiềm với hương vị đặc trưng của thuốc bắc. Thịt vịt mềm, vị ngọt thấm đẫm gia vị bổ. Nước dùng thì ngọt tự nhiên và sợi mì trứng ngon, dai. Thưởng thức món ăn nóng nổi vào tiết trời se lạnh rất dễ gây nghiện. Bạn có thể nấu món ăn này vào những dịp cuối tuần rảnh rỗi để cả gia đình có thời gian quây quần bên nhau.
Nguồn: Internet